hotlineĐường dây nóng: 0904561819 - 0913035091

Emailtapchithoitrangvietnam@gmail.com

Trang chủ »

Showbiz

Chặng đường phát triển của bữa trưa trường học ở Nhật Bản

01/12/2017

973 Lượt xem

Lịch sử trăm năm giúp bữa trưa trường học Nhật Bản hoàn thiện về dinh dưỡng, được công nhận là một phần chính thống của giáo dục.

Học sinh Nhật Bản nổi tiếng với văn hóa cùng giáo viên ăn trưa tại trường, trái với thói quen mang cơm từ nhà của học sinh nhiều quốc gia. Ngay cả hiệu trưởng cũng cùng ngồi ăn một bữa trưa giống học sinh mỗi ngày. Trẻ được khuyến khích biết ơn thực phẩm và ăn đến miếng cuối cùng, bao gồm cả những món chúng không đặc biệt thích. Văn hóa này được phát triển từ hơn 100 năm trước. 

Năm thứ 22 thời Minh Trị (1889), “kyushoku” - bữa trưa trường học đầu tiên của Nhật Bản được phục vụ tại một trường tiểu học ở thành phố Tsuruoka, tỉnh Yamagata. Theo trang Gakko Kyushoku, ý tưởng đến từ một tu sĩ Phật giáo giám sát trường này. Ông nhận thấy nhiều đứa trẻ thiếu thốn không mang cơm đến trường như các bạn.

Bữa ăn đánh dấu bước ngoặt về văn hóa học đường của xứ sở mặt trời mọc gồm onigiri (cơm nắm), cá nướng và món rau muối được gọi là tsukemono.

chang-duong-phat-trien-cua-bua-trua-truong-hoc-o-nhat-ban

Bữa trưa trường học đầu tiên tại Nhật Bản. Ảnh: Gakko Kyushoku

Dù được chuẩn bị rất đơn giản, thực đơn đầu tiên đã cung cấp cho những đứa trẻ tuổi ăn tuổi lớn nguồn dinh dưỡng quan trọng mà không phải ai cũng có thể nhận được ở nhà. Chương trình ăn trưa mới mẻ này được các trường học trên cả nước đón nhận. Cơm, thịt, cá, rau và các loại súp miso trở thành món tiêu biểu trên thực đơn bữa trưa học đường.

Trong những năm đó, trường học thường phục vụ thức ăn bằng bát sứ và các dụng cụ khác, trông giống một bữa ăn tự chế biến tại nhà. Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, bữa trưa trường học bị cắt giảm ở nhiều nơi trên khắp cả nước do tình trạng thiếu lương thực.

Năm 1944, khoảng hai triệu trẻ em trong độ tuổi tiểu học tại sáu thành phố lớn ở Nhật Bản được ăn trưa tại trường. Dù chiến tranh kết thúc năm 1945, hậu quả của nó vẫn còn, nhiều trẻ em không được cung cấp đủ dinh dưỡng. Học sinh lớp 6 (năm cuối tiểu học) thời đó có thân hình tương đương học sinh lớp 4 ngày nay.

Năm 1946, Chính phủ ban hành nghị định khuyến khích nhân rộng bữa trưa trường học trên toàn quốc. Hệ thống bữa trưa trường học được thực hiện vào ngày 24/12 tại tất cả trường học ở Tokyo, quận Kanagawa và Chiba.

Ngày nay, các trường học ở nhiều khu vực chuẩn bị thực đơn đặc biệt trong tuần lễ từ 24 đến 30/1 để kỷ niệm cột mốc này, do kỳ nghỉ thường ảnh hưởng đến tuần cuối cùng của tháng 12 và trường học không phục vụ bữa ăn vào thời gian đó.

Năm 1947, khoảng ba triệu trẻ em trên khắp đất nước bắt đầu ăn bữa trưa trường học, gồm cả sữa bột không béo được Mỹ quyên góp. Hai năm sau, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng tặng sữa bột cho trẻ em Nhật Bản.

Quy mô bữa trưa trường học dần mở rộng, cung cấp dinh dưỡng cho trẻ tiểu học ở tổng cộng tám thành phố lớn vào năm 1950. Bánh mì làm bằng bột từ Mỹ được bổ sung vào thực đơn. Bánh mì cuộn ăn cùng khoai tây hầm, thịt hoặc viên chiên, bắp cải thái sợi và sữa là một bữa trưa điển hình được phục vụ trong năm này.

chang-duong-phat-trien-cua-bua-trua-truong-hoc-o-nhat-ban-1

Một bữa trưa của trường học Nhật Bản ngày nay. Ảnh: Pinterest

Chính phủ bắt đầu tài trợ một nửa chi phí cho bột mì. Nhờ đó, đến tháng 4/1952, trẻ tiểu học trên cả nước đã có cơ hội nhận được bữa trưa trường học hoàn chỉnh. Những năm tiếp theo, thực đơn thường bao gồm một số món chiên.

Đạo luật bữa trưa trường học được thực hiện từ năm 1954. Từ đây, bữa trưa được công nhận là một phần chính thống của giáo dục trẻ em, như một cách để dạy trẻ kiến thức về thực phẩm và những quy tắc quan trọng trong ăn uống. Nó cũng khuyến khích giao tiếp xã hội lành mạnh giữa bạn bè cùng lớp và cùng trường.

Đến năm 1958, giám đốc quản trị hành chính của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) đề ra ý tưởng đưa sữa bò tươi vào bữa ăn trường học, dần thay thế sữa bột trong những năm sau đó.

Ngoài ra, bánh mì chiên và các hình thức khác của bánh mì dần được giới thiệu vào cuối những năm 1950. Các loại mì sợi bắt đầu xuất hiện trong bữa trưa trường học ở vùng Kanto. Đến năm 1971, Chính phủ đã tiêu chuẩn hóa các bữa trưa này.

Trẻ được ăn cơm nóng ở trường từ năm 1976. Thực phẩm cũng dần trở nên đa dạng hơn hai thập kỷ trước. Sữa đóng chai trước đó đã được thay thế bằng sữa hộp.

1993 và 1994 là những năm lúa mất mùa, do đó các khu học chánh phải bổ sung bữa trưa với gạo không thuộc diện kiểm soát của chính phủ. Đến năm 2000, loại gạo này đã được cho phép sử dụng chung.

 
 
 
00:03| 00:51
 
 
 
 

Học sinh Nhật Bản bóc hộp sữa để phục vụ tái chế sau giờ ăn trưa. 
Nguồn: Vimeo.

Bữa trưa trường học kiểu mẫu ở đất nước này từng bị lên án vì vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 1996, thức ăn được chuẩn bị không đúng cách ở quận Okayama khiến hai trẻ chết và 468 em có triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Một cuộc điều tra ngay sau đó cho thấy có vi khuẩn E.coli trong bữa ăn trưa của trường.

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường dài phát triển của bữa trưa trường học Nhật Bản, thực đơn hiện nay đa dạng hơn, được cân bằng dinh dưỡng và thay đổi liên tục nhằm đảm bảo sự phát triển của trẻ trong độ tuổi đi học. Sự tiện lợi, chi phí hợp lý (ít hơn 300 yên cho mỗi bữa ở một trường trung học cơ sở thuộc quận Yamagata) cùng văn hóa phân công phục vụ và dọn dẹp của học sinh khiến bữa trưa trường học Nhật Bản được xem là hình mẫu của thế giới. 

arrow